Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Niềm tin và khát vọng

VHO- Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Quốc bảo”, một văn kiện lịch sử vô giá chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, văn hóa, đạo đức sâu sắc, thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng, khát vọng, tình cảm và tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của lãnh tụ vĩ đại, muôn vàn kính yêu đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, với bè bạn quốc tế.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Niềm tin và khát vọng - Anh 1

 Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam

 Bác viết Di chúc trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây ra ở hai miền Nam - Bắc Việt Nam (1965-1969). Nhưng sự hy sinh, ác liệt, khói lửa của chiến tranh thoáng qua rất nhanh bằng một quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn với niềm tin “cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Bác viết Di chúc khi tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh, với mục đích rõ ràng là để lại mấy lời phòng khi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột. Không phải ngẫu nhiên khi đọc Di chúc, chúng ta không thấy hai từ “Di chúc” mà lại là “mấy lời này”, “thư này”. Bác khởi thảo Di chúc lần đầu từ ngày 10.5.1965 đến ngày 14.5.1965 “nhân dịp mừng 75 tuổi” và sau đó hằng năm (1966, 1968, 1969), cũng đúng vào dịp sinh nhật (từ ngày 10 đến ngày 19.5), Người xem lại, bổ sung tài liệu “tuyệt đối bí mật”. Một niềm lạc quan cách mạng hiếm thấy trong thế gian này. Đây phải chăng là một trong nhiều khía cạnh về sự “kỳ lạ”, “hiếm thấy”, “một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống” như bạn bè thế giới nói về Bác? Chắc chắn là như vậy bởi chỉ có rất ít nhân vật trong lịch sử viết Di chúc để mừng sinh nhật như cách làm của Bác. Câu chuyện “sẽ đi gặp” và “ai mà đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?” của Bác diễn ra 4 năm sau khởi thảo Di chúc lần đầu.

Viết Di chúc nhưng Bác đặt lên hàng đầu trách nhiệm bản thân phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và cũng xác định rõ bổn phận của Đảng cầm quyền phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Người coi việc riêng là “suốt đời hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Lại một điều kỳ lạ nữa! Và kỳ lạ hơn là đã suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhưng khi viết thư này - tuy không có điều gì phải hối hận - nhưng Bác lại tiếc, tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Có bao nhiêu lãnh tụ suy nghĩ và làm như Bác?

Bác không muốn rời xa Đảng, xa nhân dân, xa đồng bào cả nước bởi việc lớn chưa thành. Nặng nghĩa ân tình, Người để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng, cho các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế với một niềm tin và khát vọng cháy bỏng: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. Di chúc chủ yếu bàn về xây dựng đất nước, xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Di chúc đề cập khá toàn diện các mặt như các ngành kinh tế, giáo dục, quốc phòng, vệ sinh, y tế, trồng cây thành rừng vừa tốt cho phong cảnh vừa lợi cho nông nghiệp. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc.

Để hoàn thành những công việc đó, Bác chỉ rõ Đảng phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Trong kế hoạch đó thì việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Trong Đảng, các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Trong Di chúc, Bác đặc biệt quan tâm công việc đối với con người nói chung, từng hạng người nói riêng, vừa lo đời sống, nơi ăn chốn ở yên ổn, không để ai bị đói rét vừa hướng dẫn những cách làm cụ thể như mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, Bác vạch ra cho Đảng và Chính phủ một tầm nhìn chiến lược về việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài. Người chỉ rõ chọn một số ưu tú nhất những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang nhân dân cho đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo họ thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội. Bác hết sức quan tâm tới việc bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách công việc kể cả công việc lãnh đạo. Với Bác, việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, đào tạo họ thành những người thừa kế sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn trước chiến tranh là công việc rất to lớn, nặng nề, phức tạp, khó khăn, mà cũng rất vẻ vang. Đó là cuộc chiến đấu chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Phát hiện ra sức mạnh vĩ đại của nhân dân để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ, Bác chỉ rõ cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.

Cách mạng theo quan điểm Hồ Chí Minh là do dân và vì dân. Vì vậy trong lộ trình xây dựng đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, không phải chỉ dựa vào dân, mà điều có ý nghĩa nhất là Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Người mong muốn toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Sáng ngày 9.9.1969, tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã đọc Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Điếu văn nêu 5 lời thề và nhấn mạnh: “Trước anh linh của Hồ Chủ tịch, chúng ta nguyện suốt đời trung thành với Người, đem hết tâm hồn và nghị lực, đoàn kết thành một khối sắt thép, phấn đấu quên mình, quyết làm tròn nghĩa vụ cao cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân ta và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới”. Toàn thể dân tộc Việt Nam ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Bác, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước, thỏa lòng mong ước của Người. Qua gần 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm, yếu kém về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn.

Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng ta coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục nỗ lực phấn đấu không ngừng để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 

PGS.TS BÙI ĐÌNH PHONG

Ý kiến bạn đọc